Chè hạt sen rất bổ dưỡng, cung cấp nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, hạt sen không phải là nguyên liệu dễ sử dụng và rất dễ bị sượng. Trường Đào Tạo Học Nấu Ăn Chuyên Nghiệp | HNAEdu sẽ mách bạn cách nấu chè hạt sen và công dụng của chúng và làm sao để chúng không bị sượng cực hay sau đây.
Giá trị dinh dưỡng của hạt sen
Hạt sen mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, là nguyên liệu tuyệt vời làm nên những món ăn bổ dưỡng. Hàm lượng chất xơ cao và lượng cholesterol thấp trong hạt sen có tác dụng giảm lượng đường trong máu rất hiệu quả. Hạt sen còn chứa chất chống oxy hóa giúp kháng viêm và ngăn nhiễm khuẩn. Ăn hạt sen thường xuyên giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường, phục hồi protein trong cơ thể, làm chậm quá trình lão hóa và giúp cho làn da luôn trẻ trung.
Chế biến những bát chè thơm mát từ hạt sen là cách bổ sung dinh dưỡng rất tốt, do hạt sen rất giàu protein và chứa những khoáng chất cần thiết như kali, magie, phốt pho… Với cách nấu chè hạt sen không bị sượng mà HNAEdu chia sẻ, bạn có thể tự tin làm chè hạt sen ngon miệng, bổ dưỡng để nhâm nhi hay mời bạn bè thưởng thức đấy.
Công dụng của hạt sen
- Trong y học cổ truyền, tất cả bộ phận của cây sen đều được dùng làm thuốc. Hạt sen có nhiều dưỡng chất như tinh bột, protein, lipid, bêta-amyrin, anpha-amyrin, stigmasterol, bêta-sitosterol, campestola, các chất vi lượng Ca, P, Fe…
- Hạt sen còn có tên là liên nhục, vị ngọt, chát, tính bình; vào các kinh tâm, tỳ và thận; có tác dụng dưỡng tâm an thần, ích thận, bổ tỳ, an thai, lợi thủy. Dùng cho các trường hợp di tinh đái hạ, tỳ hư tiết tả (tiêu chảy), tiêu chảy lỏng, lỵ dài ngày, hồi hộp mất ngủ, cơ thể suy nhược.
- Trong ngày nắng nóng, hạt sen có thể chế biến thành chè, cháo gà, cơm chiên… Món chè hạt sen dưới đây có công dụng dưỡng tâm, an thần, mát, ngon bổ. Sau bữa cơm chiều, một chén chè sen tráng miệng vào mùa nóng sẽ là phương thuốc giải nhiệt, an thần tuyệt vời.
4 cách nấu chè hạt sen ngon
Chè hạt sen nhãn nhục
Nguyên liệu:
- Hạt sen tươi: 200 g
- Nhãn khô: 50 g
- Đường phèn: 120 g
Cách làm:
- Hạt sen tươi lột vỏ lụa, bỏ tim, nấu lửa nhỏ vừa mềm.
- Nấu 400 ml nước với đường phèn cho tan đều, hớt bọt thật kỹ. Cho hạt sen vào nấu nhỏ lửa thấm.
- Sau cùng cho nhãn khô vào nấu nở đều. Có thể tăng hoặc giảm lượng đường tùy ý thích ngọt nhiều hoặc ít.
- Chè sen nhãn nhục có thể ăn nóng hoặc lạnh.
Món chè sen táo đỏ
Nguyên liệu:
- Hạt sen tươi: 200 g
- Táo đỏ khô: 100 g
- Đường phèn: 200 g
Cách làm:
- Hạt sen nấu lửa nhỏ, mềm. Đường phèn nấu với 0,5 lít nước cho tan đều, hớt bọt kỹ.
- Cho táo khô, hạt sen vào nấu riu riu thấm đường. Thấy táo đỏ nở đều là được. Có thể tăng hoặc giảm lượng đường tùy theo ý thích ăn ngọt nhiều hay ít.
- Chè sen táo đỏ có thể ăn nóng hoặc lạnh.
Cách nấu chè hạt sen không bị sượng
Nguyên liệu
- 500g hạt sen tươi (có thể thay bằng 300g hạt sen khô)
- 100g đường phèn
- 50g dừa nạo (không bắt buộc)
Các bước thực hiện
Sơ chế nguyên liệu
Khi mua hạt sen về nấu, bạn có thể dùng hạt sen tươi hoặc khô đều được. Tuy nhiên để có món chè hạt sen ngon nhất thì bạn nên chọn hạt sen tươi, lựa ra những hạt mẩy, phần đầu mở miệng, không nên chọn những hạt có phần đầu đóng chặt. Hạt sen tươi nhanh chín, vị thơm ngon và nhiều chất dinh dưỡng hơn hạt sen khô.
Nếu dùng hạt sen tươi, bạn lột lớp vỏ bên ngoài, dùng tăm nhọn loại bỏ phần tim sen rồi rửa sạch lại với nước nóng. Lưu ý không rửa lại hạt sen với nước lạnh. Sau đó ngâm hạt sen với nước nóng khoảng 3 – 4 tiếng để hạt sen nở đều.
Với hạt sen khô bạn cần ngâm trước khi chế biến khoảng 1 ngày. Trong quá trình ngâm, hạt sen có thể hút nước nên bạn cần thường xuyên theo dõi và bổ sung lượng nước cần thiết.
Nấu chè hạt sen
Mẹo để hạt sen mềm ngon, không bị sượng trong quá trình đun nấu chính là phải sử dụng nước nóng hoặc nước ấm toàn bộ. Sau khi sơ chế và làm sạch hạt sen, bạn cho hạt sen vào nồi, đổ ngập nước rồi nấu trên bếp khoảng 5 phút, sau đó vớt hạt sen ra và rửa lại với nước ấm. Việc này giúp loại bỏ mủ, nhựa của hạt sen để khi nấu, nước chè sẽ trong và ăn ngon hơn.
Tiếp đến, bạn đun sôi 1,5 lít nước rồi cho hạt sen vào nấu. Đun hạt sen cùng nước lạnh là sai lầm nhiều người mắc phải khiến cho hạt sen rất dễ bị sượng.
Trong khi nấu, nếu hạt sen vẫn chưa chín mềm mà nước trong nồi đã gần cạn, bạn cho thêm nước nóng vào đun tiếp, không để hạt sen tiếp xúc với nước lạnh vì nước lạnh sẽ khiến hạt sen co lại và bị sượng. Khi hạt sen chín tới thì tắt bếp, tránh nấu quá lâu làm hạt sen bị nát.
Cho đường phèn vào một nồi sạch khác, bắc lên bếp nấu với lửa vừa cho đường tan hết, tắt bếp rồi đợi phần nước đường lắng cặn xuống, lọc lấy phần nước trong. Nếu bạn dùng đường phèn tinh chế thì không cần làm bước lọc này.
Sau khi hạt sen chín mềm, bạn cho phần đường phèn đã lọc vào khuấy đều, đun liu riu trong khoảng 5 – 10 phút để hạt sen thấm đường rồi tắt bếp. Chú ý chỉ cho đường sau khi hạt sen đã chín mềm, không cho đường ninh cùng hạt sen vì sẽ làm hạt sen bị sượng.
Để chè nguội bớt rồi múc ra ly, rắc thêm dừa nạo và thưởng thức.
Bạn cũng có thể ướp lạnh chè hạt sen trong ngăn mát tủ lạnh, khi ăn cho thêm một ít đá bào vào dầm, món chè hạt sen mát lạnh sẽ càng tuyệt vời hơn.
Cách làm món chè hạt sen củ năng
Món Chè có vị ngọt thanh của nước mía lau, bùi bùi của hạt sen, củ năng vừa ngon miệng vừa có tác dụng giải nhiệt, an thần rất tốt cho sức khỏe.
Nguyên liệu:
- 1 bó mía lau, lá dứa, rễ tranh, râu bắp, mía cây
- 300g củ năng
- 200g hạt sen
- 100g đường cát.
Cách nấu:
- Củ năng gọt vỏ, rửa sạch, thái làm 4 hoặc 5 phần.
- Bó mía lau rửa sạch, cho vào nồi đun sôi với 2 lít nước lọc. Khi nước sôi, cho 100g đường cát vào khuấy tan. Đun sôi lại, tắt bếp, lọc bỏ bã, lấy nước. Cho vào nồi, cho củ năng vào rồi nấu chín. Nếm lại thấy có vị ngọt dịu, thanh là được.
- Hạt sen cắt bỏ đầu, tim. Đem luộc hoặc hấp chín
- Khi ăn, múc nước mía lau, củ năng và hạt sen vào ly, có thể dùng lạnh với đá hoặc để lạnh trước khi ăn.
Yêu cầu thành phẩm
Chè hạt sen có màu vàng nhạt, nước chè sánh mịn, thơm ngon, có vị ngọt thanh, dịu nhẹ của đường phèn. Hạt sen chín bở, mềm nhừ nhưng không nát, khi ăn cảm nhận được mùi vị bùi bùi, béo béo rất hấp dẫn.
Lưu ý để có món chè hạt sen ngon
- Nếu không có hạt sen tươi có thể dùng hạt sen khô để nấu chè. Nếu nấu bằng sen khô nên ngâm hạt sen trong nước cho nở rồi bắt đầu nấu. Thời gian nấu bằng hạt sen khô sẽ kéo dài hơn sen tươi.
- Có thể nấu chè sen với lá dứa hoặc cho hoa lài tươi vào chè tùy theo ý thích.
Cách xử lý khi hạt sen bị sượng
Hạt sen là nguyên liệu khó sử dụng, độ nguyên chất, độ khô và thời gian ninh hạt sen là những yếu tố có thể tác động đến việc chế biến hạt sen. Trường hợp bạn nấu hạt sen bị sượng, có thể tham khảo những gợi ý khắc phục sau đây:
- Thay nồi ninh hạt sen bằng nồi áp suất hoặc nồi cơm điện. Nồi áp suất sẽ cung cấp đủ nhiệt lượng cần thiết để ninh hạt sen mềm nhừ.
- Nếu kéo dài thời gian ninh hơn mà hạt sen vẫn chưa mềm nhừ như ý muốn, bạn có thể chuyển sang nồi gang và đun liu riu bằng than hồng. Khi hạt sen đã sôi thì hạ lửa nhỏ rồi hầm đến khi cháy hết phần than hồng trên bếp. Trong quá trình đun, nếu nồi hạt sen bị cạn nước thì bạn chỉ cho nước sôi vào, tuyệt đối không sử dụng nước lạnh.
- Bạn cho vào một giấm ăn hoặc thuốc muối (baking soda) để làm giảm độ sượng. Tuy nhiên cần lưu ý những chất phụ gia này chỉ nên cho ở mức vừa phải để không gây ảnh hưởng đến chất lượng món ăn.
Trên đây là gợi ý cách nấu chè hạt sen tươi ngon không bị sượng, hi vọng những thông tin bổ ích mà HNAEdu chia sẻ đã giúp bạn làm món chè hạt sen thành công. Nếu bạn hứng thú với không chỉ món chè mà còn muốn biết thêm nhiều công thức nấu chè ngon miệng khác, hãy để lại thông tin theo form bên dưới để HNAEdu tư vấn khóa học phù hợp nhé.
Ý kiến của bạn