Vịt om sấu nấu như thế nào? Chế biến có khó và mất nhiều thời gian? Đây đều là thắc mắc chung của rất nhiều người. Bổ sung món ăn vào thực đơn món ngon cuối tuần cho gia đình cùng Trường Đào Tạo Học Nấu Ăn Chuyên Nghiệp | HNAEdu. Nào cùng tham khảo cách nấu vịt om sấu đơn giản nhé.
Vịt là loại nguyên liệu quen thuộc được dùng chế biến thành nhiều món ăn ngon khác nhau như cà ri vịt, vịt nấu chao, gỏi vịt bóp thấu, thịt vịt đút lò, thịt vịt nhồi măng, vịt chiên nước dừa, cháo vịt, vịt hầm bia, vịt giả cầy… Trong đó, không thể nào bỏ qua món vịt om sấu “đốn tim” không biết bao nhiêu người thưởng thức bởi vị chua thanh, béo ngậy hòa quyện. Cùng xem cách làm vịt om sấu bên dưới để tự tin vào bếp chế biến nhé.
Công dụng món ăn
Thịt vịt
Thịt vịt là nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng rất cao.
Trong 100g thịt vịt có trung bình khoảng 25g protein (cao hơn nhiều so với những loại thực phẩm thông dụng khác như thịt bò, heo, dê, cá, trứng). Hàm lượng các chất khác như canxi, phốtpho, sắt, vitamin (B1, B2, A, D, E), acide nicotic… cũng rất cao so với mặt bằng chung.
Các chất dinh dưỡng này có tác dụng bồi bổ cơ thể và tăng cường sức khỏe, thể trạng:
- Những người bị thiếu máu, suy nhược cơ thể
- Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn ói, phù nề, tiểu ít
- Phù nề, nên dùng cho các trường hợp phù ứ nước trong người
- Giúp chữa trị các bệnh tăng huyết áp, đau đầu, chóng mặt, tâm phiền, bị mất ngủ, hay quên
Sử dụng thịt vịt ít nhất một lần trong tuần có thể giúp cơ thể bổ sung dưỡng chất, ổn định tinh thần và kéo dài cuộc sống.
Quả sấu
Sấu là quả có vị chua, thanh mát.
Trong sấu chín có thành phần 86% nước, 1% axit hữu cơ, 1.3% protit, 8.2% gluxit, 2.7% xenluloza, 100mg% canxi, 44mg% Phospho, sắt và 3mg% vitamin C.
Công dụng:
- Điều trị nhiệt miệng, háo khát, ngứa cổ, đau họng
- Trị nôn nghén danh cho phụ nữ mang thai
- Chữa ho
- Tăng cường hệ tiêu hóa
- Chữa say rượu
- Trị mụn nhọt, lở ngứa
Cách làm vịt om sấu ngon
Nguyên liệu
- 1 con vịt
- 6-8 trái sấu
- 500g khoai sọ
- 5 củ hành khô
- 1 củ tỏi
- 5 cây sả
- 1 củ gừng
- 2 trái ớt
- 1 vài lá mùi tàu
- 1kg bún
- Gia vị: Muối, nước mắm, tiêu, hạt nêm, dầu ăn, rượu trắng.
Cách làm vịt om sấu
Bước 1: Sơ chế
Đầu tiên, bạn chà xát muối lên bề mặt thịt vịt, rửa lại nhiều lần với nước. Để khử sạch hoàn toàn mùi tanh của thịt, bạn có thể chà rượu trắng lên thịt rồi rửa lại với nước lần nữa. Để vịt trên rổ cho ráo nước rồi chặt thành từng miếng nhỏ vừa ăn. Sơ chế là bước quan trọng trong ảnh hưởng đến hương vị món ăn, vì vậy, bạn nên thực hiện tỉ mỉ, kỹ lưỡng.
Bước 2: Sơ chế các nguyên liệu còn lại
Tiếp đó, bạn cạo vỏ sấu, rửa sạch rồi dùng dao khứa nhiều đường. Đây là mẹo đơn giản giúp sấu nhanh chín và dễ thấm vị vào hơn.
Sau đó, bạn bóc vỏ hành tím, cắt lát mỏng, bóc vỏ tỏi, đập dập, bóc vỏ sả, cắt lát mỏng. Nhặt, rửa sạch rau mùi tàu, cắt nhỏ, bỏ hạt ớt rồi tỉa hoa.
Với khoai sọ, bạn rửa sạch, cho vào nồi luộc khoảng 5 phút, xả lại trong nước lạnh, bóc vỏ. Hoặc bạn cũng có thể gọt vỏ trước ngâm cùng nước muối pha loãng khoảng 20 phút. Như vậy là bạn đã hoàn thành bước sơ chế trong cách làm vịt om sấu tại nhà.
Bước 3: Ướp thịt vịt
Kế đến, bạn cho thịt vịt vào âu lớn, thêm 1/3 muỗng canh muối, 1/3 muỗng canh hạt nêm, 1/3 muỗng cà phê tiêu, ½ hành, tỏi băm nhỏ, trộn đều. Để món ăn ngon đậm đà, bạn nên ướp thịt trong vòng khoảng 20-30 phút.
Bước 4: Om thịt vịt
Sau đó, bạn bắc nồi lớn lên bếp cùng 1 muỗng dầu ăn, đun sôi. Khi dầu nóng, bạn cho số hành, tỏi, sả vào phi thơm rồi cho thịt vịt vào xào săn lại.
Bạn đổ lượng nước vừa đủ vào nồi, thêm sấu vào cùng, đậy kín nắp vung và tiếp tục nấu. Nhiều người chia sẻ, để món ăn thêm hấp dẫn, bạn có thể thực hiện vịt om sấu nước cốt dừa, tức là cho thêm nguyên liệu này vào ngay thao tác, hạ nhỏ lửa rồi tiếp tục om thịt chín mềm.
Khi chín, bạn cho khoai sọ vào nấu thêm khoảng 10 phút. Lưu ý, bạn không nên nấu quá lâu hay khuấy nhiều lần vì sẽ làm khoai sợ bị nát vụn, ăn sẽ không ngon miệng.
Xem thêm: Lẩu măng cua cá lăng
Bước 5: Hoàn thành
Kế đến, bạn dùng muỗng dầm nhẹ sấu để tạo vị chua cho món ăn, nêm nếm lại gia vị sao vừa ăn. Cuối cùng, bạn cho thêm lên trên một ít rau mùi và ớt tỉa hoa để trang trí món ăn đẹp mắt là đã hoàn thành món vịt om sấu rồi.
Yêu cầu thành phẩm
Thành phẩm cần đáp ứng một số yêu cầu như sau:
- Thịt vịt chín mềm, thấm vị đậm đà.
- Khoai sọ chín tới, mềm, dẻo, không bị nát và có vị bùi.
- Nước om sệt có vị béo của thịt vịt, vị ngọt của nước cốt dừa quyện với vị chua của sấu.
Cách chọn nguyên liệu tươi
Để có món vịt ngon đậm đà, bạn phải chú trọng đến công đoạn lựa chọn nguyên liệu. HNAEdu chia sẻ một số mẹo giúp bạn chọn được nguyên liệu tươi ngon:
- Với vịt, bạn hạn chế chọn những con quá béo vì sẽ có nhiều mỡ. Thay vào đó, bạn nên chọn những con vịt vừa tầm, nặng và chắc thịt. Đặc biệt, bạn nên ưu tiên mua vịt còn sống hơn là vịt đông lạnh.
- Với sấu, bạn nên lựa những quả xanh, tươi, có lớp vỏ sần, cùi dày. Bạn nên tránh chọn sấu non (vỏ láng), sấu già (nhiều hạt) vì chúng ít có vị chua.
Mẹo nấu vịt om sấu thơm ngon hấp dẫn
Trong món ăn này, khử mùi hôi từ thịt là điều cần thiết và quan trọng. Nếu không, vịt sẽ hôi, món ăn sẽ bị mất đi vị ngon vốn có.
HNAEdu xin chia sẻ đến bạn 3 cách để khử mùi hôi từ thịt vịt:
- Dùng chanh
- Khử bằng giấm
- Khử bằng gừng
Cách bảo quản nguyên liệu
Món ăn đã chế biến
- Đây là món dùng ngay sau khi chế biến nên bạn cần cân nhắc khẩu phần ăn để tránh dư thừa.
- Bảo quản bằng việc cho vào hộp hay túi zip và bảo quản trong ngăn mát tủ tối đa 2 ngày.
Thịt vịt
- Nên bảo quản thịt trong ngăn mát tủ lạnh ở nhiệt độ khoảng 2 độ C.
- Nếu muốn bảo quản thịt vịt lâu hơn bạn nên chọn ngăn đông, vì nhiệt độ tại đây xấp xỉ ở mức -25 độ C.
- Bạn phải bao bọc thịt thật kỹ và hút chân không để giữ được độ tươi ngon và thịt không bị lây nhiễm các vi khuẩn gây bệnh.
- Khi bạn cho thịt vào ngăn đông, phải bọc thịt thật nhiều lớp nhằm ngăn cho chúng không bị đông quá cứng. Mất nước và thay đổi màu sắc, mùi vị sẽ mất ngon.
Quả sấu
- Sấu được đem cạo vỏ chứ không gọt, rửa sạch, để thật ráo nước cho mặt trái sấu se lại, nhăn đi.
- Không được cho toàn bộ sấu vào chung một túi rồi để vào tủ lạnh.
- Khi để cả túi to như vậy sẽ khiến mỗi lần mở túi lấy sấu ăn, có một lượng hơi ẩm lớn sẽ vào túi, cả khối sấu sẽ bị dính chặt vào với nhau, khó có thể lấy ra từng quả để nấu.
- Vì thế, hãy chia sấu ra làm nhiều túi nhỏ để có thể lấy sấu dễ hơn nhiều.
Ai không nên ăn vịt om sấu?
- Những người bị cảm
- Người đang bị ho
- Người đang bị bệnh gout
- Người có hệ tiêu hóa kém
- Người có thể chất yếu, lạnh
Vịt om sấu ăn với gì ngon nhất?
Món ăn dùng nóng cùng cơm, bún tươi hoặc mì đều tuyệt vời. Bạn có thể múc ra tô ăn nóng hay thưởng thức như một món lẩu với các loại rau xanh như: rau nhút, rau muống… Món ăn này thích hợp cho cả nhà một buổi sum họp đông người.
Thông qua những thông tin trên, chắc hẳn bạn đã phần nào hiểu được vịt om sấu nấu thế nào rồi. Còn chần chờ gì nữa mà bạn không nhanh xắn tay áo vào bếp chế biến món ăn ngon này để chiêu đãi người thân.
Nếu còn gặp bất cứ khó khăn nào trong quá trình thực hiện cách làm vịt om sấu đơn giản, bạn hãy điền thông tin vào form bên dưới. HNAEdu sẽ liên hệ và tư vấn về khóa học phù hợp với bạn chi tiết, cụ thể hơn.
Chúc bạn chế biến thành công!
Ý kiến của bạn