Văn hóa ẩm thực phương Đông thường rất chú trọng đến nguyên lý Âm – Dương. Đây cũng là nguyên tắc trong phương pháp thực dưỡng Ohsawa nổi tiếng. Theo đó, khi tiêu thụ thực phẩm mất cân bằng âm dương quá lớn, cơ thể con người có thể bị bệnh. Với nguyên tắc lựa chọn thực phẩm Âm – Dương của phương pháp thực dưỡng Ohsawa, chúng ta nên ăn và lựa chọn thực phẩm thuận theo tự nhiên và phù hợp với sức khỏe của bản thân. Bên cạnh đó, tính âm dương trong thực dưỡng cũng được phân biệt dựa trên bản chất của sản phẩm, không có cái nào tốt, cái nào xấu mà chỉ nên kết hợp thực phẩm một cách cân bằng. Cùng Trường Đào Tạo Học Nấu Ăn Chuyên Nghiệp | HNAEdu tìm hiểu rõ hơn qua bài viết sau nhé.
Cách lựa chọn thực phẩm mang tính Âm
Thực phẩm mang tính âm giúp con người trở nên điềm tĩnh, mềm mỏng. Thế nhưng, nếu tính âm quá lớn sẽ khiến mọi hoạt động của tế bào bị đình trệ, cơ thể trở nên nhu nhược, yếu đuối.
Những loại thực phẩm mang tính âm thường có các đặc điểm như: nhiều nước, mềm, dẻo, có khả năng trương nở lớn và tốc độ phát triển nhanh. Tiêu biểu có các loại sau:
- Các loại cà, khoai tây, măng, giá, nấm (Trong phương pháp thực dưỡng, nấm đông cô được khuyên nên dùng ở dạng khô vì mang tính âm, nếu được phơi dưới nắng sẽ trở nên cân bằng âm dương)
- Các loại gia vị cay, nóng như: gừng, tiêu, tỏi, ớt, rau răm…
- Các loại nước đá, kem lạnh, đồ uống có ga, bia, nước khoáng, nước lọc
- Dưa leo, bắp chuối, khoai, mồng tơi, bầu, đậu ve, đậu đũa, rau dền…
- Các loại trái cây vùng nhiệt đới.
Ngoài ra, có thể phân biệt thực phẩm mang tính âm bằng cách dựa vào quá trình phát triển của chúng. Chẳng hạn, loại mọc nhanh trên mặt đất, nhanh lớn, khi nấu nhanh chín là mang tính âm. Ví dụ như đậu xanh nhanh chín nên mang tính âm, các loại củ như ngưu bàng, củ sen mọc thẳng xuống đất, lớn chậm, khi nấu lâu chín nên mang tính dương hơn.
Cách lựa chọn thực phẩm mang tính Dương
Thực phẩm mang tính dương sẽ giúp cơ thể trở nên mạnh mẽ, quyết đoán. Tuy nhiên, nếu tính dương quá lớn sẽ khiến con người tăng tính bảo thủ, dễ căng thẳng, khó chịu.
Nhưng loại thực phẩm mang tính dương thường có sức sống mạnh mẽ, rắn chắc, khi nấu lâu chín hơn thực phẩm mang tính âm. Ví dụ: các loại dầu ăn mang tính Âm nhưng trong đó, dầu mè (vừng) được làm từ hạt mè (vừng) nhỏ, rắn chắc nên có tính dương nhiều nhất. Tương tự, gạo lứt đỏ cũng có tính dương cao hơn gạo lứt trắng vì cứng hơn. Những nhóm thực phẩm mang tính dương tiêu biểu như:
- Các loại đậu: đậu đen, đậu đỏ, đậu lăng, đậu gà…
- Các loại củ: củ sắn dây, cà rốt, khoai mài, củ sen, nhân sâm, đinh lăng…
- Các loại ngũ cốc nguyên hạt như: hạt kê, gạo mì đen, bo bo (ý dĩ), ngô…
- Ngoài ra còn có cà phê thực dưỡng, sữa thảo mộc, trà củ sen, bồ công anh, muối biển…
Các yếu tố để xác định tính Âm – Dương của thực phẩm
Để xác định tính âm dương của thực phẩm, người ta thường căn cứ vào các tác động của nó lên cơ thể con người. Cụ thể như:
- Đặc điểm thực phẩm, khí hậu tại từng vùng miền
- Tốc độ và cách thức phát triển của thực phẩm
- Hàm lượng Natri, Kali trong thực phẩm. Vì theo phương pháp thực dưỡng Ohsawa, ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt là thực phẩm có tỉ lệ Ka/Na xấp sỉ 5/1 và có tính cân bằng âm dương tốt nhất. Dó đó, nên lấy gạo lứt làm thực phẩm thiết yếu hàng ngày.
Theo thực dưỡng, do tiêu thụ quá nhiều các sản phẩm thức ăn cực âm và cực dương mà dẫn đến sự rối loạn hoạt động của các cơ quan trong cơ thể, khiến chúng ta bị bệnh tật. Do đó, hiểu và biết cách lựa chọn thực phẩm theo nguyên lý âm dương phù hợp là yếu tố quan trọng giúp bạn duy trì được một sức khỏe tốt và có đời sống tinh thần lành mạnh.
Ý kiến của bạn